22/10/2019
Đồng bào Khmer huyện Long Phú tưng bừng với Lễ Lôi Protip
Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 9 âm lịch, đúng vào ngày các vị sư làm Lễ ra hạ (chinh Presvôsa), bà con Khmer ở các phum sóc trên địa bàn huyện Long Phú nô nức tổ chức Lễ Lôi Protip (Lễ thả đèn nước hay thả hoa đăng) truyền thống. Lễ không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng của phật giáo mà còn thể hiện lòng tạ ơn (Khamatus) Thần Đất, Thần Nước mà con người đã sinh hoạt trên mặt đất, mặt nước… đã mang đến cuộc sống bình yên và hạnh phúc suốt một năm qua và cầu mong trong tương lai những điều tốt lành.
Lễ thả đèn nước là lễ hội dân gian vốn có từ lâu đời ngay từ buổi sơ khai của sản xuất nông nghiệp lúa nước, ý nghĩa là để tạ ơn đất trời đã phù hộ con người làm ăn, sinh sống bình yên và mong muốn những điều tốt lành hơn trong năm sau. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, sau một năm gieo trồng và khai thác đất đai, con người đã làm ô uế, đảo lộn đất, làm ảnh hưởng đến môi sinh, nên phải làm lễ cúng tạ tội với thiên nhiên, bởi trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, con người luôn phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là nhu cầu về nước.
Theo lời kể của những người cao niên trong đồng bào Khmer, Lễ Lôi Protip xuất phát từ lòng thành kính tưởng nhớ PresChon CômKeo (những chiếc răng của đức Phật). Trước khi đức Phật nhập niết bàn, đức Phật đã cầu mong ban những chiếc răng vào 4 vị trí, trong đó có ban chỗ vị trí là cõi Thần Rắn Neaka Reách trong biển cả… Mặt khác, lễ gắn liền với đời sống của đồng bào Khmer Nam bộ sống bằng nghề lúa nước.
Theo đó, ngay ngày chùa làm lễ xuất hạ, bà con Khmer xã Tân Hưng, huyện Long Phú tổ chức Lễ Lôi Protip và diễu hành xung quanh phum sóc. Lễ đã thu hút nhiều bà con Khmer từ già đến trẻ tham gia. Cùng với đó, các thành viên còn hóa trang và đeo mặt nạ của các quỹ dữ hay loài thú như cọp, khỉ, ngựa…. góp phần cho lễ càng thêm nhộn nhịp. Đặc biệt, các vị sư, a cha có uy tín đi theo để tụng kinh chúc phúc khi phật tử đem các vật phẩm cúng giường.
Bà con Khmer xã Tân Hưng đưa Protip diễu hành xung quanh phum sóc
Anh Dương Thế Hòa ở ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng cho biết: “Thường làm một Protip hoàn chỉnh mất khoảng nửa tháng, với nhiều hình dáng khác nhau như ngôi chánh điện, sala hoặc hình tượng con vật khác. Đặc biệt, bên trong Protip được trang trí tượng Phật, ảnh Bác Hồ, trái cây, gạo, muối… và trang trí bóng đèn đủ màu sắc nên ban đêm nhìn đẹp lung linh. Lễ rất vui và đã trở thành truyền thống của bà con Khmer nơi đây”.
Đại Đức Thạch Thươl – Trụ trì chùa Bâng Cro Chap Thmây cho biết: “Hàng năm, bà con phật tử Tân Hưng làm từ 8 đến 10 Protip, diễu hành xung quanh phum sóc và khoảng 7 giờ tối thì tập trung về chùa làm các nghi thức; sau đó, đem đi thả trôi sông hoặc cất giữ trong chùa. Lễ Lôi Protip đã trở thành truyền thống của đồng bào Khmer xã Tân Hưng và được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ không chỉ mang ý nghĩa về Phật giáo mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc giúp con em đồng bào Khmer biết tôn trọng đất và nước, bằng cách bảo vệ môi trường đất và nước trong sạch”.
Hiện nay, không chỉ tổ chức ở phum sóc có đông đồng bào Khmer, Lễ Lôi Protip được tỉnh Sóc Trăng quan tâm phục dựng, thả trên đoạn sông Maspero (TP. Sóc Trăng) trong chuỗi Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng hằng năm. Có thể khẳng định, Lôi Protip là lễ độc đáo, ngoài ý nghĩa tâm linh, cầu mong những điều tốt đẹp trong tương lai và tạ ơn Thần Đất, Thần Nước, mà còn nhắc nhở con người quay về với thiên nhiên, làm sạch môi trường sống, bảo vệ đất và nước. Đó là hai yếu tố quan trọng giúp cho sự tồn tại của nhân loại.
Sóc Ca